Vào ngày thứ hai của Hội thảo IoT World Today, các nhà cung cấp dịch vụ cơ bản và chuyên gia trong ngành thảo luận về những áp lực mà ngành này đã trải qua trước sự bùng phát của dịch Covid-19.

Các ý chính trong bài viết:

– Các ngành dịch vụ cơ bản đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo sự ổn định cho tần suất cung cấp dịch vụ vào thời buổi dịch Covid-19 đang hoành hành.

– Ngành năng lượng, cũng như mọi ngành thiết yếu khác, đang đối diện nguy cơ bị tấn công mạng.

– Ứng dụng IoT vào các ngành dịch vụ cơ bản đã đem đến sự linh hoạt và khả năng duy trì hoạt động trong thời dịch thông qua các công nghệ giám sát từ xa và hỗ trợ làm việc tại nhà.

Khi các nhà cung cấp dịch vụ cơ bản phải tìm cách thích nghi với cơn khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, họ cũng chứng minh năng lực phục hồi trước biến cố đột ngột này.

Vào ngày thứ hai của Hội thảo Thế giới IoT, nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu đã thảo luận về ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của dịch Covid-19 với các nhà cung cấp năng lượng. Ngành công nghiệp năng lượng, như mọi ngành khác, đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch. Nhưng vào thời điểm nhiều vùng trên thế giới đang ban hành lệnh phong tỏa và yêu cầu người dân ở yên trong nhà, các ngành thiết yếu như điện lực vẫn phải đảm bảo hoạt động của mình 24/7.

Ngành điện đã phải nhanh chóng áp dụng các quy định mới đồng thời tiến hành theo dõi sát sao sức khỏe của nhân viên, để đảm bảo các hoạt động của mình có thể diễn ra bình thường.

 “Chúng tôi vừa phải đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình, vừa phải đảm bảo duy trì mạng lưới điện hoạt động ổn định,” Joroen Leverman, giám đốc IT của công ty NextEra Energy Resources cho biết.

Trong khi một số ngành, như dịch vụ lưu trú, vận tải, và bán lẻ gần như sụp đổ trước tác động của Covid-19, ngành điện lực vẫn trụ vững trước sự bùng nổ của chủng virus mới – dù hiển nhiên phải vượt qua không ít khó khăn.

Một phần của thành công này là nhờ vào các tiến bộ công nghệ như Internet Vạn Vật (IoT), tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ này đã cho phép người sử dụng chúng thực hiện nhiều công việc từ xa như giám sát thiết bị, tự động hóa các quá trình, thu thập thông tin thời gian thực để đưa ra quyết định. Đáng lưu ý nhất là việc áp dụng IoT vào các ngành dịch vụ cơ bản đã cho phép việc cung cấp dịch vụ có thể diễn ra liên tục, cũng như góp phần hỗ trợ cho các nỗ lực giao hàng tránh tiếp xúc, nhằm giữ an toàn trong mùa dịch.

Ứng dụng IoT để có thể cung cấp dịch vụ năng lượng liên tục trong khi vẫn làm việc tại nhà, mọi nhà cung cấp đều đồng ý rằng việc nhiều chính quyền yêu cầu người dân tự cách ly tại nhà đã làm nảy sinh nhu cầu về phương pháp cung cấp dịch vụ mới, thích nghi với hoàn cảnh đặc thù.

“Một trong những sứ mệnh chính của chúng tôi là cung cấp điện năng một cách ổn định cho người dân,”. Eric Helin, quản lý cấp cao tại Exelon cho biết trong cuộc hội thảo “Mô hình kinh doanh bền vững cho tương lai để đem đến công nghệ và sự hợp tác cho các ngành mũi nhọn”. “Nhưng chúng tôi đã thay đổi cách nghĩ về phương thức cung cấp những dịch vụ đó”

Lý do hiển nhiên là vì chính những người làm trong ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu cũng phải làm việc tại nhà vào những tháng đầu của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

“Phải mất chút thời gian mới quen với việc làm việc tại nhà, nhưng sau đấy mọi người đều cảm thấy thoải mái khi có thể vừa chăm gia đình vừa làm việc cùng một lúc.” Levermand cho biết

Một nghiên cứu của PwC hồi tháng Tư cho thấy, 41% nhà cung ứng dịch vụ cơ bản bày tỏ lo ngại về năng suất của nhân viên khi họ làm việc tại nhà. Nhưng nỗi lo này có thể được xoa dịu bằng thực tế là ngành dịch vụ cơ bản đã chứng minh mình có khả năng thích ứng với tình hình mới.

Helin cũng đề cập đến việc các lệnh tự cách ly tại nhà đã ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến quá trình liên quan đến nhân sự, như việc truy cập vào hệ thống mạng. Mới đầu, việc có quá nhiều nhân viên đăng nhập đã gây ra một số vấn đề về hiệu suất.

“Lúc mới triển khai làm việc tại nhà, chỉ việc cung cấp hạ tầng mạng cho từng đấy người truy cập cùng lúc đã là một vấn đề lớn.” Helin cho biết, “Phải cố gắng lắm chúng tôi mới thành công trong việc kết nối mọi người với nhau”.

Nỗ lực thích nghi trong trong lĩnh vực dịch vụ on-site

Ngay trong thời điểm này, các ngành hạ tầng thiết yếu như năng lượng vẫn đang yêu cầu một lượng lớn công nhân làm việc on-site, như trong các nhà máy, trạm biến áp, hay đi công tác hiện trường để xứ lý các sự cố mất điện hoặc một số vấn đề khác. Để làm được điều đó, các ngành dịch vụ thiết yếu đã tích cực tận dụng các thiết bị IoT để bảo vệ sức khỏe công nhân viên của mình trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.

“Luôn có ai đấy phải làm việc trực tiếp tại công trình, để đảm bảo hệ thống vẫn vận hành ổn định,” Bobbi Harris, CEO và nhà điều hành Smart Water LLC cho biết.

Leverman cũng lưu ý rằng các công nghệ tích hợp, như ảnh nhiệt hồng ngoại, đã cho phép các doanh nghiệp đo thân nhiệt nhân viên một cách dễ dàng. “Chúng tôi đã triển khai sử dụng máy đo tia hồng ngoại để phát hiện những người có thân nhiệt cao bất thường. Chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc dùng robot.”

Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ mới cũng cần đi kèm với quá trình kiểm tra cẩn thận. Điển hình là một số máy phát hiện sốt có thể hoạt động không chính xác và cho ra các kết quả đo sai.

Thiết bị tích hợp có khả năng tự động hóa nhiều quá trình và giảm thiểu việc con người phải tự tay làm mọi thứ. Các ngành dịch vụ cơ bản từ lâu đã ứng dụng công nghệ IoT vào việc theo dõi máy móc, nhờ đó kỹ thuật viên có thể đến hiện trường ngay khi có sự cố cần sửa chữa nhờ nhận được tín hiệu cảnh báo từ thiết bị IoT.

Rõ ràng, điều khiển từ xa và tự động hóa đã trở nên vô cùng giá trị trong thời kỳ mà giãn cách xã hội trở nên vô cùng cấp thiết.

Theo như lời Greg Mischou, giám đốc công nghệ tại tập đoàn Atlas Technology thì, việc theo dõi tình trạng sức khỏa nhân viên, chứ không chỉ là an toàn lao động thuần túy, đã đánh dấu sự bắt đầu một thời kỳ mới trong các ngành công nghiệp hạ tầng thiết yếu. Với việc dịch Covid-19 lan tràn, sức khỏe và an toàn lao động lại càng trở nên liên quan mật thiết với nhau.

“Các ngành công nghiệp thiết yếu vẫn luôn quan tâm đến an toàn lao động, nhưng bây giờ, mối quan tâm đó đã mở rộng ra cả khía cạnh sức khỏe nhân viên” Mischou cho biết. Ông cũng nói thêm rằng một công ty chuyên nghiên cứu công nghệ AI để theo dõi sức khỏe nhân viên và an toàn lao động đang tìm cách thay đổi thuật toán chương trình của mình để tích hợp thông tin về việc tiếp xúc gần, thân nhiệt, và các yếu tố dịch tễ khác của người lao động.

 COVID-19 thúc đẩy sự phát triển tự động hóa và hệ thống giám sát dự báo dựa trên IoT

Nhiều chuyên gia đã ghi nhận tốc độ phát triển tăng vọt của lĩnh vực tự động hóa và hệ thống giám sát dự báo như một nỗ lực cải thiên năng lực đối phó với cơn khủng hoảng.

“Từ trước khi dịch Covid bùng phát, đã có nhiều sự quan tâm đến việc bảo trì dự đoán, chủ yếu nhằm nâng cao hiệu suất lao động”, theo Mischou. “Nhưng khi Covid đến, mọi chú ý lại càng đổ dồn về các công nghệ này bởi vì ai cũng muốn làm việc hiệu quả mà không cần tiếp xúc hay tương tác trực tiếp.”

“Việc gửi người, chứ không chỉ là mấy thiết bị IoT, đến trực tiếp nhà máy cũng có thuận lợi riêng của nó: Bạn sẽ có thông tin sống động về việc nhiệt độ nóng thế nào, về việc liệu một bộ phận nào đấy phát ra tiếng ồn hơi sai trái mà lẽ ra không nên có, về đủ loại mùi trong không khí,.. Chúng ta vẫn đang nỗ lực tìm ra cách tích hợp robot và IoT để con người có thể truyền đạt những trải nghiệm này, với tư cách là người vận hành, vào hệ thống AI và khiến chúng ngày càng trở nên tự động hóa hơn.”

Leverman cũng cho biết, tầm quan trọng ngày càng tăng của hệ thống bảo trì dự đoán là một nguyên nhân lớn thúc đẩy IoT thâm nhập vào các ngành dịch vụ căn bản ”Chúng ta có thể thông minh hơn trong cách vận hành không? Kết nối mọi dòng dữ liệu thời gian thực vào các hoạt động kinh doanh cần một nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ. Nhưng làm được điều đó sẽ khiến mạng lưới trở nên dễ đoán và ổn định.”

Helin nói thêm rằng, Covid đã khiến một số dự án bị delay và một số khác cần được xem xét lại mức độ ưu tiên của chúng.

“Điều mà chúng ta đang tập trung hiện nay là bảo đảm sự an toàn của mọi người. Có vậy mới có thể cung cấp năng lượng cho người dân,”

Ý kiến trên cũng phản ánh kết quả sơ bộ từ cuộc Khảo Sát Ứng Dụng IoT của IOT World Today. Theo đó, 49% người tham gia khảo sát cho biết đã phải thắt chặt ngân sách vì dịch Covid, trong khi 49% số người khác có thêm nhu cầu sử dụng các sản phẩm IoT trong đợt khủng hoảng y tế kéo dài này.

An ninh mạng cho các ngành dịch vụ cơ sở mũi nhọn.

Khi mà mọi người phải giãn cách xã hội và ai cũng làm việc tại nhà, nhiều ngành công nghiệp đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công mạng, từ ngành y tế cho đến ngành dịch vụ cơ bản. Kết quả, nhu cầu tăng cường phòng vệ mạng cũng tăng lên để đối phó những cuộc tấn công đó.

Các nhà cung cấp năng lượng cho biết, họ đã trở thành nạn nhân của nhiều cuộc tấn công mạng vào hồi đầu mùa xuân.

“Gần như ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã thấy nhiều người lợi dụng tình hình để tiến hành lừa đảo, xâm nhập,” Helin cho biết, “Lúc đó, ưu tiên số một là bảo vệ thiết bị và mạng nội bộ an toàn”

Leverman cũng đồng ý với ý kiến này. ”Trên phạm vi toàn cầu, đã có rất nhiều hoạt động tấn công được tổ chức nhằm mục đích phá hoại cơ sở hạ tầng của các ngành thiết yếu”.

Mischou cũng nói thêm, cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục cho thấy sự kết nối giữa các hệ thống IT và OT, cũng như yêu cầu các cơ quan phải hợp tác nhằm chống lại các hoạt động xâm nhập thông qua điểm yếu của các hệ thống này.

Trong ý kiến cuối cùng của mình, Mischou nói rằng việc ngành dịch vụ cơ bản vẫn giữ được sức mạnh của mình giữa hàng loạt thay đổi và bất ổn là một điểm sáng chứng tỏ sự tiến bộ của ngành.

“Theo tôi, khá là kỳ diệu khi ta nghĩ về những thay đổi mà ta đã có được trong sáu hay bảy tháng qua – những thay đổi trong thói quen làm việc dẫn đến thay đổi trong thói quen sử dụng năng lượng – và các hạ tầng của chúng ta đã có thể thích ứng gần như hoàn hảo”.  

“Với IoT và hàng loạt công nghệ khác sắp xuất hiện, hiệu suất của ngành chắc chắn sẽ càng tăng trong tương lai”.

Nguồn: IoT World Today bởi Lauren Horwitz

 

Daviteq at Asia IoT Business Platform in Vietnam 2019