1. Lời Giới Thiệu

“Khoảng cách truyền được bao xa ?” là câu hỏi thường trực ám ảnh tất cả những người quan tâm và sử dụng công nghệ truyền dẫn không dây. Để xây dựng một hệ thống mạng không dây phù hợp với yêu cầu đặt ra, hầu hết các nhà phát triển sẽ phải chọn giữa hai tùy chọn băng tần ISM(1) tần số 2.4 GHz hoặc tần số dưới GHz. Để xác định được hệ thống mạng không dây sử dụng tần số 2.4GHz hoặc tần số dưới GHz người sử dụng có thể dựa vào những tiêu chí sau: phạm vi truyền dữ liệu, sự tiêu thụ năng lượng, tốc độ truyền dữ liệu, kích thước antenna, khả năng tương tác,… Các công nghệ Wi-Fi®, Bluetooth® Smart, ZigBee® là những giao thức 2.4GHz được sử dụng rộng rãi trên các ứng dụng truyền thông không dây hiện nay.

Tuy nhiên, đối với những ứng dụng chỉ cần tốc độ truyền dữ liệu ở mức thấp, chẳng hạn như nông nghiệp thông minh, nhà thông minh, đồng hồ đo thông minh,… thì hệ thống không dây Sub-GHz mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế, bao gồm phạm vi hoạt động xa hơn, tiêu thụ năng lượng ít hơn, chi phí triển khai và vận hành thấp hơn. Để hiểu hơn về truyền thông không dây Sub-GHz mời các bạn đọc theo dõi các phần tiếp theo của bài viết.

(1) ISM là viết tắt của Industrial, Scientific and Medical, tiếng Việt gọi là Công nghiệp, Khoa học và Y tế, là thuật ngữ dùng để chỉ các thiết bị, ứng dụng, băng tần số… dùng trong môi trường công nghiệp, khoa học và y tế.

2. Đặc Điểm Công Nghệ Sub-Ghz

Giao tiếp không dây là phương thức truyền dữ liệu trong không gian sử dụng sóng điện từ như sóng radio, sóng hồng ngoại,… Khi triển khai các ứng dụng IoT, công nghệ wireless 2.4 GHz và wireless Sub-GHz được ứng dụng chủ yếu. 

Sub-GHz được đặt tên dựa trên dải tần hoạt động của nó (công nghệ Sub-GHz hoạt động ở dải tần số nhỏ hơn 1 GHz, thường quanh 920MHz). Sub-GHz là một lựa chọn công nghệ lý tưởng cho các ứng dụng không dây yêu cầu phạm vi xa và điện năng tiêu thụ thấp. Khả năng truyền dẫn phạm vi xa giúp giảm chi phí đặt các trạm thu phát trung gian. 

Các quốc gia trên thế giới chủ yếu sử dụng dải tần miễn phí cấp phép 433 MHz. Tuy nhiên có một số dải tần khác được sử dụng ở một số khu vực: Bắc Mỹ và Úc là 915 MHz, châu Âu là 868 MHz, Trung Quốc là 470 MHz và 779 MHz, Nhật Bản là 426 MHz và 920 MHz.

Hình 2.1. Băng tần ISM Sub-GHz miễn phí trên thế giới (Source: TI.com )

Phạm vi hoạt động xa của bộ thu phát Sub-GHz và bộ điều khiển không dây (MCU) đã và đang tạo ra những ứng dụng IoT (Internet of Thing) mới. Một số thử nghiệm cho thấy rằng các đường truyền Sub-GHz có phạm vi hiệu quả lên đến hơn 100 kilometer. Bạn đọc có thể xem video thử nghiệm phạm vi truyền sóng của Sub-GHz thông qua video này CC1120. Ngoài ra, bằng cách chiếm các băng tần ISM trong phổ không dây dưới 1GHz, giao tiếp Sub-GHz tránh được băng tần có số lượng thiết bị sử dụng nhiều hơn ở 2.4 GHz – dải băng tần hoạt động của các chuẩn giao tiếp WiFi®, Bluetooth® Smart, ZigBee® và các giao thức không dây khác.

Ở dải băng tần ít “bận rộn” hơn, mạng IoT sẽ mạnh mẽ hơn và có thể mở rộng quy mô để bao phủ các khu vực lớn hơn. Hiệu quả tăng thêm của việc hoạt động trong một băng tần không “đông đúc”, cũng như một số yếu tố khác, cũng làm giảm điện năng tiêu thụ của các thiết bị truyền thông sử dụng Sub-Ghz. Trên thực tế, một số nút cuối  sẽ có thời gian hoạt động lên đến 10 năm với một viên pin coin-cell. Một đặc tính quan trọng khác là tính linh hoạt của phần mềm và khả năng tương thích của công nghệ không dây Sub-GHz. Các nhà phát triển có thể nhanh chóng phân biệt được sản phẩm của họ với các tính năng, điều này mang lại lợi thế cho việc cạnh tranh trên thị trường.

Công nghệ Sub-GHz đang trở thành một trong những động lực chính đằng sau IoT của tương lai, không chỉ vì những tính năng độc đáo đã nêu ở trên mà còn vì mỗi tính năng có thể điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của từng ứng dụng riêng biệt.

3. So Sánh Công Nghệ Sub-Ghz Với Các Công Nghệ Khác (BLE, WiFi, ZigBee)

Bảng 3.1. Bảng so sánh đặc điểm của các chuẩn truyền thông không dây

Trong các ứng dụng IoT, công nghệ mạng không dây Sub-GHz được sử dụng nhiều hơn wireless 2.4 GHz vì các ưu điểm vượt trội về truyền xa tin cậy, tiêu thụ ít năng lượng và chống nhiễu tốt.

.

Hình 3.1. Những đặc điểm nổi bật của Sub-GHz (Source:TI.com)

Kết nối không dây xa hàng kilometer

Phạm vi điển hình của một bộ phát WiFi có thể lên đến khoảng 50 meter (150 feet) trong nhà và 100 meter (300 feet) ngoài trời. Bluetooth có phạm vi ngắn hơn và thường sẽ chỉ đi trong nhà khoảng 10 meter (30 feet). Ngược lại, Sub-GHz có thể dễ dàng đạt được vài trăm mét trong nhà và vài kilometer (dặm) ngoài trời, tùy thuộc vào điều kiện.

Sub-GHz có tần số thấp, bước sóng dài nên dễ dàng lan truyền qua các vật cản như tường, cây cối, tòa nhà trong các đô thị và nhà máy. Bước sóng dài của Sub-GHz làm cho ít suy hao đường truyền nên dữ liệu được truyền đi xa hơn. Giao thức Sub-GHz sử dụng cùng dải tần số mà Key FOB(1) của bạn sử dụng để mở khóa xe của bạn. Hãy tưởng tượng nếu bạn có thể mở khóa cửa và đọc nhiệt độ trong xe từ khoảng cách xa hơn 30km. Khả năng tầm xa của truyền thông Sub-GHz khiến nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời, ngay cả trong các điều kiện bị tắc nghẽn như các thành phố lớn, nơi có mật độ các tòa nhà cao tầng dày đặc. Tín hiệu Sub-GHz truyền tốt hơn tín hiệu 2.4 GHz trong môi trường đô thị vì tín hiệu có thể uốn cong xung quanh các cấu trúc tòa nhà lớn.

Sự đa dạng của công nghệ thu phát Sub-GHz ngày nay đã đạt đến mức có thể đáp ứng được các yêu cầu về phạm vi cụ thể của ứng dụng IoT với một thiết bị nhất định. Ví dụ, các bộ thu phát băng tần hẹp và băng tần siêu hẹp Sub-GHz trở thành một công nghệ chính trong các ứng dụng như giám sát đồng hồ đo lưu lượng, radio cảnh sát, hệ thống báo động và các thiết bị khác trong đó tốc độ dữ liệu có thể khá thấp để đạt được phạm vi xa hơn và không cần thiết phải có thêm sự “thông minh” của MCU (vi điều khiển). Ở châu Âu, tiêu chuẩn M-Bus (wM-Bus) không dây cho các ứng dụng đo sáng dựa trên công nghệ Sub-GHz. Ngoài ưu điểm phạm vi hoạt động xa của bộ thu phát Sub-GHz băng hẹp và siêu hẹp, một số MCU không dây Sub-GHz tiên tiến có chế độ hoạt động ở phạm vi xa tích hợp để thiết bị nút cuối có thể tận dụng khả năng xử lý tốt hơn của một MCU và vẫn đạt được phạm vi xa.

Tính linh hoạt về kiến trúc của mạng Sub-GHz cũng có thể ảnh hưởng đến phạm tín hiệu. Mạng Sub-GHz có thể được cấu hình theo bất kỳ kiến trúc nào trong mốt số kiến trúc để đáp ứng các yêu cầu về phạm vi của các ứng dụng. Ví dụ: một mạng tương đối hạn chế với điểm điều khiển trung tâm như hệ thống tự động hóa tòa nhà có thể áp dụng kiến trúc hình sao dựa trên wM-Bus hoặc 6LoWPAN. Một số kiến trúc lưới với nhiều cổng có thể được sử dụng làm cơ sở cho một mạng lưới lớn hơn bao phủ khuôn viên nhà máy hoặc hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra, một cấu hình khác là điểm – điểm, có thể được sử dụng để giao tiếp một lượng dữ liệu nhỏ như nhiệt độ, độ ẩm,…

Hình 3.2. Sơ đồ cấu trúc hệ thống mạng không dây (Source: TI.com)

Năng lượng tiêu thụ cực thấp

Mức tiêu thụ điện năng cực thấp sẽ là một điều kiện tiên quyết khác cho nhiều ứng dụng IoT. Trên thực tế, chỉ cấp nguồn cho 50 tỷ thiết bị IoT sẽ là một thách thức lớn. May mắn thay, nhiều thiết bị nút cuối Sub-GHz tiêu thụ một lượng điện năng nhỏ đáng kinh ngạc. Nhiều thiết bị, như nút cảm biến hoặc màn hình đồng hồ đo lưu lượng, có thể hoạt động đến 10 năm với pin coin-cell hoặc lâu hơn thông qua một số loại hệ thống thu năng lượng như tấm pin mặt trời. Nguồn điện thấp đặc biệt quan trọng đối với các bài đặt khó tiếp cận hoặc không thể tiếp cận vì thay PIN trên một nút cảm biến, chẳng hạn, có thể khá tốn kém hoặc nguy hiểm cho người thay PIN hoặc hầu như không thể nếu nút được lắp đặt trên vệ tinh thời tiết. 

Ngoài ra, đạt được mức tiêu thụ điện năng cực thấp của các nút cuối Sub-GHz mà không làm giảm phạm vi tín hiệu hoặc công suất đầu ra. Ví dụ: MCU không dây Sub-GHz được giới thiệu gần đây có mức tiêu thụ điện năng tối đa là 5.5 mA khi nhận và 22.6 mA khi truyền ở +14 dBm. Ngoài ra lõi MCU’s – ARM® Cortex® –M3 này tiêu thụ năng lượng ít nhất là 51 A cho mỗi -megahertz khả năng xử lý. Hơn nữa, thiết bị đã được tích hợp các thuật toán quản lý năng lượng phức tạp sẽ đặt các phần của hệ thống ở chế độ OFF, nơi tiêu thụ ít nhất là 0.6mA, trong khi vẫn giữ lại được nội dung bộ nhớ.

Kháng nhiễu tốt trong môi trường

Phần lớn thiết bị không dây phổ biến nhất hiện nay hoạt động ở băng tần 2.4 GHz, bao gồm cả các điểm phát WiFi và bộ định tuyến không dây, ZigBee, Bluetooth, một số điện thoại không dây. Lưu lượng quá mức trong bất kỳ băng tần nào của phổ không dây sẽ gây ra sự cố cho thiết bị hoạt động trong băng tần đó. Sự can thiệp và xung đột giữa nhiều tín hiệu không dây trong băng tần 2.4 GHz có thể làm hỏng thông tin truyền tải hoặc phần header trong các gói tin truyền thông, làm chậm thông lượng bằng cách kích hoạt mức độ truyền lại cao hoặc từ chối hoàn toàn kết nối.

Nếu công nghệ không dây dựa trên giao thức phát hiện “va chạm”, như WiFi, thì quá nhiều xung đột tín hiệu do băng tần quá đông gây ra có thể từ chối quyền truy cập vào sóng không dây hoặc làm giảm hiệu suất của tất cả các liên lạc không dây trong vùng lân cận.

Hình 3.3. Nhiều thiết bị gia dụng hoạt động ở băng tần 2.4 GHz (Source: TI.com)

Ngoài ra, bản chất cơ bản của một tỉ lệ phần trăm cao lưu lượng truy cập IoT trong tương lai sẽ hoàn toàn khác với phần lớn lưu lượng dữ liệu cường độ cao trong băng tần 2.4 GHz, nơi truyền video, hộp thoại qua điện thoại, tải xuống Internet và các kết nối ưu tiên cao khác có thể kết nối các kênh trong một khoảng thời gian dài. Một lượng đáng kể các thiết bị IoT sẽ là các dữ liệu ngắn ở tốc độ chậm hơn để tối ưu hóa phạm vi tín hiệu. Do đó, việc tách biệt các ứng dụng khác nhau trong các băng tần khác nhau của phổ không dây là rất hợp lý.

Bên cạnh đó, ít tắc nghẽn tín hiệu hơn cho phép các mạng Sub-GHz mở rộng dễ dàng hơn, nhanh chóng mở rộng số lượng thiết bị được hỗ trợ trên bất kỳ mạng nào và hướng ra ngoài để bao phủ với khoảng cách lớn hơn. Với băng tần ít thiết bị sử dụng, sẽ ít bị mất dữ liệu hơn và điều này rất quan trọng đối với một số ứng dụng quan trọng như thông tin liên lạc khẩn cấp hoặc truyền thông tin cảm biến áp suất không dây cấp thiết.

Chi phí sử dụng thấp

Môi trường phần mềm xung quanh mạng Sub-GHz đặc biệt có lợi cho đổi mới sáng tạo. Việc tuân thủ tiêu chuẩn IEEE 802.15.4g đã mang lại cho các nhà phát triển các giải pháp sẵn có mà nói chung hoạt động như mong đợi ngay sau khi sản phẩm đó được thương mại hóa. Ngoài ra, các tiêu chuẩn công nghiệp mở luôn khuyến khích sự phát triển của hệ sinh thái hỗ trợ các công cụ phát triển phần mềm. Đối với mạng Sub-GHz, các yếu tố này đã đẩy nhanh việc triển khai các cấu trúc liên kết mạng không dây như 6LoWPAN, wM-Bus và các cấu trúc khác. Những yếu tố như trên sẽ giúp quá trình nghiên cứu và phát triển mạng Sub-GHz rút ngắn lại dẫn đến chi phí sử dụng sẽ thấp.

4. Các Nhà Sản Xuất Chip Hỗ Trợ Chuẩn Truyền Thông Không Dây Sub-GHz

Một số hãng sản xuất chip có tích hợp chuẩn truyền thông không dây Sub-GHz có thể kể đến như: Silicon Labs (Mỹ), Texas Instruments(1) (Mỹ), Renesas (Nhật Bản),…

Vì nội dung bài viết có giới hạn nên chúng tôi chỉ giới thiệu đến bạn đọc đặc điểm của bộ vi điều khiển không dây LAUCHXL-CC1310 của hãng TI.

Hình 4.1. Kit LAUNCHXL-CC1310 của Texas Instruments có tích chuẩn truyền thông không dây Sub-GHz (Source: TI.com)

Bộ vi điều khiển không dây SimpleLink Sub-GHz CC1310 LauchPad là bộ kit LaunchPad đầu tiên có Sub-GHz radio, cung cấp kết nối tầm xa, kết hợp với bộ xử lý ARM® Cortex®-M3 32 bit trên một con chip duy nhất.

Thiết bị CC1310 là một vi điều điều khiển (MCU) không dây được sử dụng với các ứng dụng không dây tầm xa, công suất thấp. MCU không dây CC1310 chứa bộ xử lý ARM Cortex-M3 32 bit chạy ở tốc độ 48MHz làm bộ xử lý chính và bộ tính năng ngoại vi đa dạng bao gồm bộ điều khiển cảm biến năng lượng cực thấp độc đáo. Bộ điều khiển cảm biến này lý tưởng để giao tiếp với các cảm biến bên ngoài và để thu thập dữ liệu tương tự (Analog) và số (Digital) một cách tự động trong khi phần còn lại của hệ thống đang ở chế độ ngủ.

  • CC1310 LaunchPad là một phần của nền tảng TI’s SimpleLink MCU, cung cấp một môi trường phát triển duy nhất cung cấp các tùy chọn phần cứng, phần mềm và công cụ linh hoạt cho khách hàng đang phát triển các ứng dụng có dây và không dây.
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất bằng cách nhanh chóng tạo mẫu hệ thống của bạn với các đầu nối I/O của bộ LaunchPad cho phép giao tiếp nhanh chóng với nhiều module đánh giá (EVM) và module hỗ bổ trợ BoosterPack.
  • Phát triển ứng dụng phần mềm Internet Of Things (IoT) của bạn trên bộ CC1310 LaunchPad bằng cách sử dụng bộ phát triển phần mềm SimpleLink CC13x0 (SDK) có: TI 15.4 stack, RF driver, power management driver và nhiều peripheral drivers. SDK cũng bao gồm một số ví dụ phần mềm “bắt đầu” để khởi động phát triển của bạn.
  • Tất cả các ví dụ này có trong SDK SimpleLink CC13x0 đều hỗ trợ bộ kit CC1310 LaunchPad, giúp bạn viết ứng dụng một cách dễ dàng hơn. Để biết thêm thông tin về nền tảng SimpleLink MCU, bạn vui lòng truy cập vào www.ti.com/simplelink

 (1)Texas Instruments là một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, đặt trụ sở tại Dallas, Texas và tại châu Âu có trụ sở chính tại Freising, Đức. TI sản xuất chất bán dẫn, phụ tùng máy điện toán và bàn tính. Hai trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của TI hiện nay là sản xuất những sản phẩm DLP (Digital Light Processing, một kỹ thuật sử dụng trong công nghệ sản xuất truyền hình) và bộ vi xử lý DSP (Digital signal processors).

5. Sản Phẩm Cảm Biến Sử Dụng Công Nghệ Sub-GHz

Hình 5.1. Cảm biến không dây đo nhiệt độ và độ ẩm của công ty NCD (Source: NCD.io)

Hình 5.2. Cảm biến không dây đo mức độ khí CO2 trong không khí của công ty MONNIT (Source: Monnit.com)

Cảm biến không dây Sub-GHz bao gồm 2 thành phần chính: phần cảm biến và phần truyền tín hiệu không dây. Phần cảm biến có thể là module cảm biến hoặc các cảm biến hoàn chỉnh. Phần truyền tín hiệu không dây thường sử dụng pin để cấp năng lượng cho phần truyền và cho cả phần cảm biến. Trong mạng cảm biến không dây, giao thức truyền nhận được thiết kế để tối ưu năng lượng sử dụng. Các cảm biến bình thường sẽ ở chế độ chờ và sẽ hoạt động định kỳ hoặc nhận lệnh từ bộ nhận nên sẽ tối ưu năng lượng. Thời gian hoạt động của pin phụ thuộc vào tần suất truyền dữ liệu được cấu hình mà thời gian có thể hoạt động lên tới 10 đến 20 năm.

Hình 5.3. Cảm biến không dây đo áp suất process của công ty Daviteq (Source: Daviteq.com)

Bộ thu không dây Sub-GHz gồm antenna thu, bộ xử lý tín hiệu và công xuất dữ liệu. Mỗi bộ thu không dây có thể kết mô hình mạng sao với nhiều bộ cảm biến không dây trong vùng phủ sóng của bộ thu. Vùng phủ sóng của bộ thu có thể lên đến vài kilometer khi 2 antenna thu và phát nhìn thấy nhau. Khoảng cách truyền sẽ nhỏ hơn nếu có một vật cản giữa cảm biến phát và bộ thu không dây. Dữ liệu từ bộ thu không dây có thể kết nối có dây đến PLC, HMI, SCADA, IoT gateway để phục vụ cho việc giám sát, phân tích dữ liệu và lập báo cáo.

Hình 5.4. Bộ thu tín hiệu cho cảm biến không dây tính năng cao theo chuẩn Sub-GHz của công ty Daviteq (Source: Daviteq.com)

6. Ứng Dụng

Mạng cảm biến không dây Sub-GHz là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ Sub-GHz. Kiến trúc mạng cảm biến bao gồm các cảm biến tích hợp bộ phát không dây và bộ thu không dây kết nối theo dạng hình sao. Mạng không dây dùng để kết nối các cảm biến không dây xung quanh, sau đó thu thập dữ liệu về bộ nhận không dây trung tâm.

Hình 6.1. Kiến trúc mạng cảm biến không dây (Source: Daviteq.com)

Công nghệ Sub-GHz giúp triển khai mạng cảm biến không dây một cách nhanh chóng và đơn giản. Cảm biến không dây được cấp nguồn bằng pin và kết nối không dây nên không cần đi cáp tín hiệu hay cáp nguồn gì. Việc triển khai mạng không dây Sub-GHz mang lại ưu điểm vượt trội với các nhà máy, tòa nhà và cơ sở vật chất đang hoạt động vì không cần phải cắt điện phục vụ thi công kéo cáp tín hiệu và cáp nguồn nên không làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy, tòa nhà và cơ sở vật. Bên cạnh đó, công nghệ Sub-GHz giúp cho việc vận hành, bảo trì mạng không dây rất dễ dàng và thuận tiện. Do mỗi cảm biến không dây có một ID riêng biệt, có thông số về pin và cường độ sóng đều đưa về trung tâm nên việc chẩn đoán và xử lý cảm biến lỗi rất dễ dàng và thuận tiện.

Các ngành năng lượng, nông nghiệp, y tế, sản xuất và các ngành công nghiệp khác sử dụng mạng cảm biến không dây Sub-GHz như là giải pháp kết nối để gửi dữ liệu định kỳ và khối lượng dữ liệu nhỏ. Mạng cảm biến Sub-GHz phù hợp cho các ứng dụng công nghiệp quá trình, tòa nhà, thành phố thông minh (chiếu sáng, bãi đậu xe, điều khiển giao thông, đọc chỉ số công tơ năng lượng). Các ứng dụng cụ thể bao gồm: mạng năng lượng thông minh, tòa nhà thông minh, giám sát cơ sở vật chất, đồng hồ đo thông minh, đo lường tự động hóa từ xa nhà máy, nông nghiệp thông minh và ngành ngư nghiệp, giám sát tội phạm và thiên tai, nhà thông minh, giám người già, trẻ em và bệnh nhân. Trong ngành nông nghiệp, mạng cảm biến Sub-GHz ứng dụng để giám sát các đồng hồ nước, đồng hồ gas, đồng hồ điện và đồng hồ nhiệt lượng trong ứng dụng giám sát năng lượng.

Hình 6.2. Ứng dụng công nghệ mạng không dây Sub-GHz (Source: Renesas.com)

Các ứng dụng tiêu biểu của công nghệ Sub-GHz:

  • Công tơ đo điện – nước – khí – nhiệt.
  • Thiết bị báo động tòa nhà.
  • Tự động hóa tòa nhà (BMS – Building Management System).
  • Tự động hóa công nghiệp (Industrial Automation).
  • Mạng cảm biến không dây (Wireless Sensor Network).

7. Lời Kết

Tiết kiệm năng lượng và phạm vi truyền xa là những yếu tố chính xác định hướng thiết kế hệ thống truyền dữ liệu không dây Sub-GHz. Mạng không dây Sub-GHz có thể cung cấp giải pháp cực kỳ hiệu quả về chi phí trong bất kỳ hệ thống tốc độ dữ liệu thấp nào, từ kết nối điểm đến điểm đơn giản đến mạng lưới rộng lớn. Công suất đầu ra điều chỉnh cao, giảm hấp thụ, ít bị nhiễu phổ tần số và hoạt động với băng tần hẹp làm tăng phạm vi truyền dẫn. Hiệu suất của mạch tốt hơn, khả năng truyền tín hiệu được cải thiện và bộ nhớ nhỏ hơn giúp tổng mức tiêu thụ điện năng giảm, năng lượng của pin có thể sử dụng trong nhiều năm. Thông qua bài viết, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn đọc một phần nào hiểu hơn về công nghệ truyền không dây Sub-GHz và những ưu điểm mà Sub-GHz mang lại cho hệ thống truyền thông không dây. Nếu bạn quan tâm chi tiết hơn hay có bất kỳ thắc mắc liên quan đến bài viết thì xin liên hệ với chúng tôi qua info@daviteq.com

 

Cảm Biến Theo Dõi Điều Kiện Đất – Tương Lai Của Nông Nghiệp